Xe tập lái không được quá cũ * Thi lấy bằng lái xe khó hơn trước Theo dự thảo thông tư của Bộ Giao thông vận tải, tối thiểu 60% ôtô tập lái của cơ sở đào tạo lái xe phải có niên hạn sử dụng không quá 10 năm.
Cơ sở đào tạo cũng có thể sử dụng xe hợp đồng từ 1 năm trở lên. Tuy nhiên, chỉ với số lượng không quá 10% số xe sở hữu cùng hạng của cơ sở này.
Bộ GTVT đang dự thảo thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo đó, một trong những yêu cầu đối với cơ sở đào tạo lái xe là phải có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lưu lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe.
Xe tập lái thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 1 năm trở lên với số lượng không vượt quá 10% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo.
Trong đó phải bảo đảm tối thiểu 60% ôtô tập lái có niên hạn sử dụng tính từ năm sản xuất không quá 10 năm, có kiểu loại thông dụng, kích thước phù hợp kích thước xe cơ giới dùng để sát hạch trong trung tâm sát hạch lái xe…
Diện tích tối thiểu của sân tập lái: 1.000-14.000m2
Để bảo đảm tiêu chuẩn sân tập, dự thảo yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe ôtô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 2 sân tập lái xe bảo đảm diện tích mỗi sân theo quy định. Sân tập lái ôtô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo.
Diện tích tối thiểu của sân tập lái đào tạo các hạng A1, A2, A3 và A4 là 1.000m2; đào tạo các hạng B1 và B2 là 8.000m2; đào tạo đến hạng C là 10.000m2; còn đào tạo đến các hạng D, E và F là 14.000m2.
Tuyến đường tập lái phải ghi rõ trong giấy phép xe tập lái
Dự thảo cũng quy định việc chọn đường giao thông công cộng để dạy lái xe phải có đủ các tình huống giao thông phù hợp với nội dung chương trình đào tạo như: đường bằng, đường hẹp, đường dốc, trung du đèo núi, đường trơn lầy, đường ngầm, qua cầu, đường phố, thị xã, thị trấn đông người…
Trong đó, tuyến đường tập lái phải được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái.
Chương trình và thời gian đào tạo
Đối với các hạng B1, B2, C, dự thảo quy định thời gian đào tạo cả lý thuyết và thực hành tương ứng là 456, 488 và 888 giờ. Trong thời gian này, học viên được đào tạo kiến thức về Luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; đạo đức người lái xe; kỹ thuật lái xe.
Đáng chú ý, trong môn học đạo đức lái xe và thực hành lái xe, học viên được trang bị thêm các kiến thức về thực hành cấp cứu, tập lái trên đường với ôtô có hộp số tự động.
Khi kết thúc khóa học, để được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận, học viên phải hoàn thành bài kiểm tra về Luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, đồng thời thực hiện 10 bài thi liên hoàn đối với môn thực hành, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.
Nguồn: Tuổi trẻ