Vài năm gần đây, xu hướng giới trẻ Việt Nam sang Nhật Bản du học phát triển mạnh. Họ ra đi với khao khát tìm một phương trời mới giúp họ phát triển tương lai.
Việc mở cửa, tăng cường giao lưu giữa các quốc gia khiến du học không còn là một thứ gì đó xa vời. Các gia đình cho con đi học mong muốn con mình có thể tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt hơn, cơ hội việc làm rộng mở hơn. Nhật Bản trở thành lựa chọn của nhiều người vì nền giáo dục phát triển, văn hóa ít khác biệt, có “đầu ra” và quan trọng là chi phí rẻ hơn các nước Anh, Mĩ, Úc,…
Các bạn trẻ lên đường đến xứ người mang theo hoài bão thành công lẫn trách nhiệm đối với người thân ở Việt Nam. Xa quê hương, họ phải tự làm mọi chuyện: học hành, làm việc, chăm sóc bản thân,… hơn hết, họ phải giữ mình tránh xa các cám dỗ từ bên ngoài.
Lê Thị Diễm Mỹ, du học sinh Việt tại Đại học Kyushu (Fukuoka, Nhật Bản) cho biết, lúc mới sang đây thấy cái gì cũng mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của các thầy cô nên nhanh chóng thích nghi. Vì du học theo diện vừa học vừa làm, sau khi sắp xếp chỗ ở, làm quen với trường lớp, Mỹ được nhà trường giới thiệu công việc làm thêm. Ngoài ra, qua giới thiệu của bạn bè, Mỹ cũng tìm thêm được một công việc nữa. Theo Mỹ, học phí trường cô rẻ hơn so với một số trường khác. “Mình phải cố gắng làm thêm để có tiền trang trải tiền học phí, sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm gửi về cho gia đình. Công việc không vất vả nhưng kéo dài, có lúc đến 12h đêm” Mỹ tâm sự.
Mỹ đánh giá môi trường học tập ở Nhật Bản rất tốt: giáo viên nhiệt tình, giảng dạy dễ hiểu, sinh viên học tập nghiêm túc; có hình thức đánh giá hằng ngày với các bài kiểm tra nhỏ, khoảng 4 -5 ngày có một bài kiểm tra lớn; cơ sở vật chất phục vụ việc học trang bị đầy đủ, tân tiến.
Sau những thời gian học hành, làm việc mệt mỏi, sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa như: diễu hành tham quan thành phố, ngày hội thể thao, leo núi, tham dự lễ hội văn hóa,… Mỹ cho biết, dù đôi lúc nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhưng hài lòng với cuộc sống du học sinh của mình.
Hưng, một du học sinh khác tại Nagaoka, Niigata chia sẻ, sang Nhật du học theo diện tự túc, áp lực học rất cao. “Mình phải cố học tiếng để thi vào trường tốt, trong quá trình học phải tiếp tục giữ thành tích mong nhận học bổng, giảm học phí”. Hưng sang Nhật được hai năm, năm đầu chủ yếu học tiếng Nhật, ôn thi, đến năm hai mới bước vào chương trình học chính thức. Ban ngày, Hưng đi học, đến tối đi làm thêm trong quán ăn. Cũng như Mỹ, Hưng tự lo học phí, chi phí sinh hoạt.
Hưng cho biết, văn hóa Nhật Bản có nét tương đồng với Việt Nam, nhiều người giúp đỡ nhiệt tình nên khi mới sang không bị bỡ ngỡ nhiều. “Ở lâu rồi quen được nhiều bạn mới người Nhật, Nepal, Hàn Quốc, Nga, người Việt mình nữa. Ai cũng năng động, tự nhiên thấy mình ù lì hẳn, nhưng quen rồi nên cũng khá hơn. Mình cảm thấy nơi này hợp với mình, dự định sẽ ở lại lâu dài”, Hưng nói.
Một cựu du học sinh, chị Đào Mai Dung hiện sinh sống ở Osaka-shi, Osaka, Nhật Bản, đang làm công việc tư vấn hồ sơ du học. Chị làm việc với nhiều bạn trẻ mong muốn du học Nhật, đồng thời kiếm việc làm thêm. Theo nhận xét của chị, sinh viên sang Nhật có nhiều hình thức như vừa học vừa làm, theo chương trình liên kết đại học, học bổng, tự túc…
Những sinh viên đến làm hồ sơ chỗ chị Dung, sẽ được hướng dẫn chọn trường phù hợp. Khi sang Nhật, công ty sẽ giới thiệu việc làm. “Sinh viên sang đây học nói chung là vất vả, nếu xin được việc làm tốt thì thu nhập rất khá. Chi phí đồ ăn, học phí ở đây đắt hơn ở Việt Nam, muốn gia đình đỡ gánh nặng thì phải làm thêm”, chị Dung nói.
Tuy nhiên, theo chị Dung, cuộc sống bên Nhật rất tốt, con người thân thiện, tử tế, môi trường học tập phát triển. “Quan trọng là phải kiên trì, nỗ lực hết sức để vươn lên”, chị Dung nói.